“Nhất vị Đan sâm ẩm, công đồng tứ vật thang”. Đan sâm là vị thuốc bổ máu được sử dụng phổ biến ở nhiều nước châu Á. Phần làm thuốc được lấy từ phần rễ sau khi được sấy hoặc phơi khô của cây (hay còn gọi là Xích sâm, Huyết sâm, Hồng căn, tên tiếng anh Salvia miltiorrhiza Bunge).
Cây Đan sâm có hình dạng giống một loại cỏ, mọc hoang nhiều trong tự nhiên, ở khu vực rừng núi Trung Quốc. Cây được du nhập vào Việt Nam và trồng ở khu vực Tam Đảo, cho năng suất và hàm lượng hoạt chất tương đối cao.
Thành phần hoạt chất
Các nghiên cứu chuyên sâu về Đan sâm cho thấy trong thành phần hoạt chất của nó có chứa 3 nhóm chính là: Phenol và acid phenolic (trong đó nổi bật là hoạt chất danshensu); Các hợp chất diterpen (trong đó nổi bật là Tanshinon II natri sulfonat) và thành phần khác (bao gồm β-sitosterol, tanin, vitamin E).
Tìm hiểu thêm: Tại sao phụ nữ mãn kinh dễ mắc bệnh tim mạch?
Công dụng của Đan sâm trong trị huyết bệnh
Trong Đông y, Đan sâm được mệnh danh là huyết bệnh yếu dược – vị thuốc quan trọng nhất được dùng để chữa các bệnh liên quan đến huyết.
Nó là thành phần chính trong các bài bổ huyết điều kinh từ cổ chí kim, phổ biến nhất, là trong các bài thuốc trị đau bụng ở phụ nữ giúp điều hòa kinh nguyệt. Tác dụng chung của nó là điều hòa kinh mạch, thông lợi huyết mạch, dưỡng huyết, lợi huyết, thúc đẩy quá trình đào thải máu lưu ứ trong cơ thể và sản sinh máu mới.
Tiêu cục máu đông
Các công trình nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, hoạt chất Tanshinon IIA có trong Đan Sâm có tác dụng làm giãn tiểu động mạch và mao mạch, từ đó giúp cải thiện tuần hoàn máu và khắc phục tình trạng ứ huyết hiệu quả.
Các nhà khoa học trường Đại học Nam California, Hoa Kỳ đã tiến hành nghiên cứu về khả năng tiêu máu đông của cây Đan sân và cho thấy nó hoạt động rất mạnh. Nhờ có khả năng ức chế kết tập tiểu cầu và phân hủy fibrin, Đan sâm được cho là an toàn và ít biến chứng hơn khi so sánh với thuốc chống đông máu Heparin.
Chữa bệnh mạch vành, giảm đau thắt ngực
Đan sâm có tác dụng làm giãn mạch vành, tăng lưu lượng máu giảm đau thắt ngực và ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch.
Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Y khoa Tokyo, Nhật Bản cho thấy hoạt chất Tanshinon IIA trong cây Đan sâm có thể ứng dụng để phòng ngừa bệnh mạch vành, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Nhờ đó, sử dụng Đan sâm thường xuyên giúp giảm nhanh các triệu chứng của tim mạch, đặc biệt là biến chứng của suy tim như khó thở, ho, phù, đau thắt lưng, mệt mỏi.
Chống oxy hóa, xơ vữa động mạch
Ngoài công dụng về bổ máu, Đan sâm còn góp phần bảo vệ tế bào, chống lại quá trình oxy hóa, chống viêm hiệu quả. Chất Tanshinon IIA cũng được chứng minh là ngăn ngừa xơ vữa động mạch, giảm thiểu tổn thương cho tim, và tham gia vào vai trò ức chế quá trình oxy hóa monocyte, LDL bám dính vào nội mô. Do vậy, chúng ổn định được các mảng xơ vữa động mạch.
Bên cạnh khả năng chính là chữa huyết bệnh, Đan sâm cũng có tác dụng hữu hiệu trong điều trị một số loại bệnh khác như viêm gan, thận, chữa suy nhược thần kinh, mất ngủ, đau khớp…
Vị thuốc Đan sâm có thể sử dụng độc lập hoặc dùng chung với một số loại thuốc dân gian khác để tạo thành một bài thuốc đặc trị cho công hiệu chữa bệnh tốt hơn. Một số vị thuốc kết hợp tốt với Đan sâm có thể kể đến là hoa hòe, kim ngân, giảo cổ lam, đương quy, tam thất…. Vị thuốc này đặc biệt kỵ với cây lê lô (hoa hiên), khi sử dụng phải đặc biệt lưu ý để không gây ra tác động xấu cho sức khỏe.
Hiện nay, Đan sâm có thể được sử dụng dưới dạng thô, dùng để nấu và sử dụng trực tiếp, dạng cao hoặc dịch chiết xuất. Với sự tiến bộ của khoa học, các dịch chiết từ Đan sâm có thể đảm bảo được thành phần hoạt chất tốt, đưa vào sử dụng rộng rãi trong sản xuất nhiều loại thuốc và thực phẩm chức năng.