Siêu khuyến mãi giảm giá sốc

HỆ LỤY CỦA STRESS MÀ MẸ TRẺ NÊN BIẾT ĐỂ KHÔNG CHỦ QUAN

Vi Thị Thảo Vân | 10/02/2023

 

Mới đây, một sự việc hy hữu được các trang báo đưa tin rầm rộ làm dấy lên sự lo lắng của các bà mẹ trẻ. Tiểu Linh một bà mẹ trẻ hơn 30 tuổi sống tại Thượng Hải đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì bị nhồi máu cơ tim.

 

Câu chuyện sẽ không có gì gây chú ý nếu lý do dẫn đến tình trạng này là việc không thể ngờ tới – stress vì dạy con học bài. Cậu con trai lớp ba của chị, Bảo Bảo, không thể làm được toán về nhà nên Tiểu Linh đến giúp con, nhưng vì giảng nhiều lần mà con vẫn không hiểu.

 

Vì quá căng thẳng và bực bội, trong lúc chưa tìm được giải pháp thì một cơn đau ngực dữ dội ập tới, làm chị thấy khó thở sau đó là ngất đi. Tại bệnh viện, bác sĩ cho biết chị vừa trải qua một cơn nhồi máu cơ tim, rất may là gia đình cấp cứu kịp thời, nên Tiểu Linh may mắn vượt qua cơn nguy hiểm.

 

Có những đứa trẻ nhanh nhẹn tiếp thu nhanh kiến thức, nhưng cũng có những đứa trẻ để học được tốt một số môn, cần cả một bầu trời nỗ lực của cả thầy cô, cha mẹ và bản thân chúng. Bảo Bảo trong câu chuyện kể trên có lẽ là một người như vậy.

 

Không riêng gì mẹ con Tiểu Linh, chắc chắn nhiều bà mẹ trẻ sẽ nhìn thấy hình ảnh quen thuộc của mình trong câu chuyện của mẹ con họ. Khi những đứa trẻ học không tốt, giúp đỡ con cái và kèm chúng học hành là điều mà các bậc cha mẹ Việt hay làm, và cũng vì chuyện học hành của con cái mà nhiều người lâm bị căng thẳng và stress thường xuyên.

 

Mối liên hệ stress và bệnh tim

Khi nghiên cứu về tình trạng trẻ hóa bệnh tim mạch, các bác sĩ cũng chỉ ra, một trong những nguyên nhân chính là thói quen sinh hoạt không lành mạnh, và việc thường xuyên đối mặt với căng thẳng stress.

 

Stress có lẽ đã trở thành một phần của cuộc sống hiện đại, và chắc chắn là ai cũng đã từng đối mặt. Cơ chế ảnh hưởng của stress tới các bệnh tim tuy chưa được nghiên cứu rõ, nhưng một điều chắc chắn stress trực tiếp ảnh hưởng đến lượng hormone trong cơ thể như cortisol và adrenaline.

 

Stress thường xuyên dẫn đến lượng hai hormone này tăng cao và kéo dài liên tục, gây hại cho hệ tim mạch. Chúng có thể gây ra hoặc làm trầm trọng hơn các vấn đề tim mạch cụ thể như: đau thắt ngực và bệnh hẹp mạch vành; loạn nhịp tim; bệnh tăng huyết áp; đột quỵ và các bệnh máu não.

 

Với những người đã có sẵn bệnh lý về tim mạch, stress có thể thúc đẩy dẫn đến các biến chứng tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, biến chứng vỡ mạch máu, loạn nhịp tim… vô cùng nguy hiểm.

 

Theo Tổ chức Y tế thế giới bệnh tim mạch hiện đang là nguyên nhân gây tử vong thứ hai chỉ sau đột quỵ. Trong “bảng xếp hạng” chi phí y tế dành cho bệnh tật, căn bệnh này đứng đầu về mức độ tốn kém. Đa số bệnh nhân mắc bệnh tim mạch đều có nguy cơ tử vong cao, đồng thời phải mất đi một chi phí khổng lồ dành cho điều trị.

 

Làm sao để kiểm soát stress?

Không chỉ gây hại cho tim mạch, stress còn tác động xấu đến nhiều cơ quan khác như não bộ, các cơ quan nội tạng và thậm chí là da. Stress không chỉ mang bệnh, mà còn làm cho phụ nữ già đi trông thấy.

 

Bởi vậy, kiểm soát stress trước khi nó khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi triền miên là điều rất quan trọng. Dưới đây là một số biện pháp hợp lý theo lời khuyên của các chuyên gia:

 

Lên kế hoạch cuộc sống hợp lý

 

Nếu dạo một vòng trên các diễn đàn xã hội, chỉ trong khoảng một tiếng thôi sẽ gặp rất nhiều bài chia sẻ, bài viết nói về áp lực trong cuộc sống. Rất nhiều người trong giới trẻ cảm thấy cuộc sống quá nhiều áp lực và quá ít thời gian để làm được mọi thứ: từ áp lực công việc, kiếm tiền, mua nhà mua xe, sắp đồ đạc; áp lực trong cuộc sống gia đình, vợ chồng, nuôi dạy con cái, quan hệ họ hàng, xã hội….

 

Những căng thẳng đó làm cuộc sống của nhiều người trở nên nặng nề. Với nhiều cặp vợ chồng, nó còn là nguyên nhân chính gây ra những mâu thuẫn, cãi vã và rạn nứt hôn nhân, Nhưng khi soi xét lại, những áp lực đó lại do chính chúng ta chọn lựa và đuổi theo, để rồi cảm thấy stress khi không hoàn thành được.

 

Đặt mục tiêu để phấn đấu là việc cần thiết, nhưng cần thiết phải có thứ tự ưu tiên và mục tiêu thực tế để, có khả năng thực hiện để không gây ra căng thẳng không đáng có và kéo theo những hệ lụy đáng tiếc cho sức khỏe.

 

 

Nghỉ ngơi đủ

 

Cơ thể luôn cần có thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi. Đối với những người làm việc căng thẳng, việc nghỉ ngơi lại càng cần thiết hơn cả. Ngủ 8 tiếng mỗi ngày là đủ để thư giãn tâm trí và giúp cơ thể lấy lại năng lượng, đồng thời tăng hệ miễn dịch. Một giấc ngủ trưa nho nhỏ được coi là một giải pháp hữu hiệu giảm stress và có lợi cho sức khỏe tim mạch.

 

 

Sống khoa học

 

Ăn uống lành mạnh, tập thể dục, tư duy tích cực, tránh xa chất kích thích, gây nghiện.

 

Một số biện pháp có thể giúp giải tỏa ngay khi đang bị căng thẳng mạnh có thể áp dụng như đi dạo bộ ngoài trời, nghe nhạc, massage, thiền, gặp gỡ bạn bè hoặc chi tiền cho sở thích, hoặc làm một số việc giúp bản thân thấy tích cực hoặc cảm thấy vui vẻ.

 

 

Với bệnh nhân tim mạch, kiểm soát stress để không gây ra những tác động xấu là điều quan trọng vừa giúp kiểm soát được bệnh tật và giảm tiết kiệm chi phí điều trị.

Thảo luận về chủ đề này
Danh mục

Giỏ hàng