Đột quỵ – một biến chứng đột ngột và nguy hiểm giống như tên gọi của nó, reo rắc nỗi sợ hãi cho biết bao người, và làm chao đảo cuộc sống của biết bao gia đình nạn nhân không loại trừ cả những người trẻ tuổi, những người nhìn bên ngoài hoàn toàn mạnh khỏe và chưa có biểu hiện rõ rệt của căn bệnh nào.
Mức độ nguy hiểm của đột quỵ
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Theo thống kê của WHO, trung bình mỗi 3 phút lại có 1 ca tử vong.
Đột quỵ hay còn được biết đến là tai biến mạch máu não, là tình trạng não bộ tổn thương do không được cung cấp đủ máu dẫn đến tổn thương tế bào do não bị thiếu oxy. Nếu kéo dài, các tế bào não sẽ bị chết và không cách nào có thể phục hồi, gây ảnh hưởng lớn tới khả năng tư duy, thậm chí là tử vong.
Bởi vậy, bệnh nhân đột quỵ cần phải được cấp cứu ngay lập tức. Hầu hết những người may mắn sống sót vẫn phải chịu đựng những tổn thương về sức khỏe như tê liệt một phần cơ thể, rối loạn cảm xúc, thị giác…
Nguyên nhân nào gây ra đột quỵ?
Hai nguyên nhân trực tiếp: do thiếu máu và do xuất huyết. Thiếu máu là nguyên nhân chính, gây ra tới 85% các ca đột quỵ, do các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch làm cho quá trình lưu thông máu lên não bị cản trở.
Xuất huyết não là tình trạng chảy máu não ồ ạt, xảy ra bởi những vết nứt, vết rò rỉ mạch máu não, thường gặp ở những bệnh nhân có cấu trúc thành động mạch mỏng và yếu.
Bất kỳ giới tính nào cũng có thể bị đột quỵ, nhưng tỷ lệ mắc biến chứng này ở nam giới cao hơn nữ giới, chủ yếu là do khác biệt lối sinh hoạt như sử dụng rượu bia, chất kích thích, căng thẳng công việc… gây ra các vấn đề sức khỏe ở nam giới nhiều hơn nữ giới.
Người càng lớn tuổi thì nguy cơ lại càng cao hơn. Theo nghiên cứu thực tiễn, bắt đầu từ tuổi 55, cứ mỗi 10 năm thì nguy cơ lại tăng lên gấp đôi. Phần lớn các bệnh liên quan đến tim mạch có yếu tố di truyền, do vậy nếu gia đình có người thân bị đột quỵ thì nguy cơ thành viên bị đột quỵ sẽ cao hơn những gia đình bình thường.
Các dấu hiệu cảnh báo mới được công bố
Nguy hiểm là thế, nhưng đột quỵ có phải bất chợt mà đến, hay nó đã gửi đi trước những lời cảnh báo cho cơ thể, nhưng chúng ta lại hoàn toàn không biết để nhận ra?
Những phát hiện mới nhất về các dấu hiệu bất thường cảnh báo đột quỵ vừa được các nhóm các nhà nghiên cứu người Nga dưới sự dẫn dắt của Phó giáo sư Rustem Gaifutdinov của Khoa thần kinh, Phẫu thuật thần kinh và di truyền y học thuộc Đại học Y khoa Kazan phát hiện và công bố vào tháng 9/2020.
Các triệu chứng thông thường dễ nhận biết nhất bằng mắt ngay trước khi cơn đột quỵ diễn ra có thể liệt kê: mặt tự dưng bị lệch, tê cứng lưỡi, rối loạn ngôn ngữ, khó phát âm, nói không rõ từ, và mất thăng bằng..
Một số dấu hiệu bất thường có thể cảnh báo cơn đột quỵ trong tương lai như: xuất hiện cơn tăng huyết áp hoặc huyết áp đột ngột lên cao trên 220 mmHg; tê, buốt ở má, lưỡi, bàn tay bàn chân; đột ngột rối loạn việc đi đứng; yếu tay, chân; đột ngột rối loạn thị giác (bên trái hoặc bên phải – tùy thuộc vào bán cầu não bị tổn thương đường dẫn truyền thị giác); đau đầu dữ dội kèm theo nôn mửa.
Ngoài ra, người sắp đột quỵ cũng có thể cảm thấy đầu óc choáng váng quay cuồng, cử động trì trệ, hoa mắt nhìn một hóa hai, thậm chí bất tỉnh. Tùy thể trạng bệnh nhân mà những dấu hiệu này có thể đến và đi rất nhanh, nên cần phải biết lắng nghe cơ thể mình và không nên chủ quan khi các triệu chứng kể trên mất đi.
Phó giáo sư Gaifudinov cho hay “Nếu những triệu chứng xuất hiện này kéo dài trong 15-30 phút rồi sau đó biến mất, không nên chủ quan nghĩ rằng tình trạng này sẽ không xảy ra nữa. Khi đó bạn cần đến khám bác sĩ, vì đột quỵ thực sự có thể xảy ra trong vòng một năm sau khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo đó”.
Ông Gaifudinov nhấn mạnh rằng khoảng thời gian vàng để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là 90 phút đầu tiên. Sau khoảng thời gian này, mỗi phút qua đi thì mức độ tổn thương của hệ thần kinh càng nghiêm trọng, và sự nguy hiểm mà bệnh nhân phải đối mặt sẽ càng tăng lên.
Bởi vì đột quỵ nguy hiểm, và hết sức đột ngột, nên cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh phát triển là kiểm soát mức đường huyết, cholesterol và huyết áp. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến đột quỵ là các vấn đề liên quan đến tim mạch, tiểu đường và mỡ máu. Ở những bệnh nhân có tiền sử tim mạch, huyết áp, tiểu đường, thì việc kiểm soát bệnh càng phải khắt khe hơn hết để giữ các chỉ số trong tầm kiểm soát, và không gây ra đột quỵ.