Trong vòng chục năm trở lại đây, huyết áp cao và rối loạn tuần hoàn đã và đang là căn bệnh làm nhiều người phải trăn trở, bởi những hệ lụy lâu dài cho sức khỏe mà chúng gây ra.
Cũng chính vì vậy, căn bệnh này còn được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”, bởi triệu chứng của nó không rõ ràng, nhưng đến một giai đoạn nhất định, nó có thể đột ngột gây ra vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe.
Tại Việt Nam, trung bình cứ 5 người trong tuổi trưởng thành, sẽ có 1 người có vấn đề về huyết áp. Thống kê từ năm 2016 cho thấy, số người trưởng thành mắc bệnh này đã lên đến gần 40% – một con số đáng báo động.
Các bác sĩ đã chỉ ra nhiều phương pháp có thể khắc phục hiệu quả căn bệnh này, bao gồm sử dụng tây y, các phương pháp, hay bài thuốc y học cổ truyền, bao gồm cả sử dụng các loài thảo dược hoặc những vị thuốc từ tự nhiên.
Tìm hiểu thêm: 7 siêu thực phẩm làm bền thành mạch, điều hòa huyết áp và kiểm soát đường huyết
Một số loài cây mọc trong tự nhiên được phát hiện có khả năng ổn định huyết áp, dưới đây là danh sách những cái tên được lựa ưa chuộng nhất:
Cúc hoa trắng (Bạch cúc)
Loài hoa này phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm áp và vùng cận nhiệt đới ở Bắc bán cầu. Tại Việt Nam, cúc hoa trắng được trồng ở khắp nơi, có thể làm cảnh và để làm thuốc.
Hoa dùng để làm thuốc thường được thu hoạch khi mới nở, thường là vào khoảng cuối mùa thu, đầu mùa đông, từ tháng 9-11. Hoa thu được đem phơi trong bóng hoặc sấy khô từ từ ở nhiệt độ thấp để không làm mất hoạt chất.
Tinh chất cúc hoa trắng có chứa tinh dầu, một số loại flavonoid như luteolin, glucoside, apligenin, quercetin…, các acid phenol.
Dược tính của cúc hoa trắng đã được phát hiện từ lâu, và được sử dụng khá phổ biến ở các nước phương tây, trong các bài thuốc ổn định hệ tuần hoàn, tăng cường sức khỏe tim mạch.
Một thí nghiệm lâm sàng được thực hiện trên 54 bệnh nhân tăng huyết áp cho hiệu quả vô cùng khả quan, với 83,9% số bệnh nhân được sử dụng tinh dầu hoa cúc trắng, chỉ sau 1 tuần dùng thuốc.
Tại Trung Quốc, cúc hoa trắng được dùng để sắc uống trong các trường hợp đau bụng kinh, tăng huyết áp, đau đầu, chóng mặt. Nghiên cứu y học hiện đại cũng chỉ ra nhiều công dụng tốt của cúc hoa trắng với sức khỏe con người như :
+ Kháng khuẩn, tăng cường hệ miễn dịch;
+ An thần, giảm căng thẳng thần kinh, giúp ngủ sâu giấc
+ Giảm huyết áp, giam mỡ máu
+ Cải thiện thị lực, chống khô và đau mắt
+ Kích thích tiêu hóa, tăng cường hấp thu chất dinh dưỡng
Lưu ý: Cúc hoa trắng không dùng cho phụ nữ có thai, người nuôi con bú và trẻ nhỏ
Hoa hòe
Theo sách những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, hoa hòe là một cây thuốc nam rất quý, mọc hoang và được trồng khắp nơi nhiều nhất là miền Bắc.
Bộ phận dùng làm thuốc chính là hoa, tốt nhất là thu hoạch khi còn đang là nụ mới sắp nở. Trong hoa hòe có chứa rutin, một loại vitamin P có tác dụng tăng cường sức bền của thành mao mạch, làm vững mạch và có thể cầm máu tốt.
Đặc biệt, chất này còn giúp hạ huyết áp, bởi vậy, hoa hòe thường được dùng cho người bị bệnh cao huyết áp, mà mao mạch dễ vỡ để đề phòng đứt mạch máu não, xuất huyết ở phổi không rõ nguyên nhân, hay xuất huyết do viêm thận.
Giống như hoa cúc trắng, hoa hòe có thể được pha với nước nóng đã đun sôi, dùng như một loại trà.
Tìm hiểu thêm: 4 cây thuốc quý cực tốt cho tim mạch từ cổ chí kim
Đỗ trọng
Đỗ trọng là một trong những thảo dược có tác dụng hạ huyết áp. Loài cây này mọc hoang nhiều ở Trung Quốc và khu vực nam Liên Xô cũ. Ở Việt Nam không có cây mọc trong tự nhiên, mà được nhập từ Trung Quốc.
Bộ phận dùng làm thuốc chính là vỏ của cây này. Vỏ có màu xám, khi bẻ ra sẽ xuất hiện những mảng nhựa trắng kéo tơ giữa các phần vỏ bị bẻ gãy. Trong cây đỗ trọng có chứa chất lượng lớn nhựa, chất gutta pecka, anbumin, chất béo, tinh dầu và muối vô cơ.
Theo Đông y, vỏ đỗ trọng được dùng để chữa bệnh đau mỏi lưng, động thai, tăng huyết áp. Bản thảo cương mục của Trung Quốc có ghi chép lại việc sử dụng của loài thảo dược này. Người đầu tiên sử dụng được cho là người họ Đỗ, tên Trọng, nên từ đó nhân gian gọi cây theo tên ông.
Xưa có người thiếu niên mới lấy vợ mắc bệnh không thể đi được, dù đã chạy chữa khắp nơi và dùng hết các thuốc nhưng không khỏi, các đại phu đều bó tay. Mãi sau có một người bắt mạch là chẩn đoán do thận hư, liền lấy cây đỗ trọng cho dùng.
Anh thiếu niên uống liền, sau 10 ngày đã có thể đi lại được nhanh nhẹn, cơ thể khỏe mạnh. Từ đó, loài cây được sử dụng rộng rãi khắp mọi nơi, dùng sắc nước uống hoặc ngâm rượu đều được.
Nghiên cứu của các nhà bác học Liên Xô về hoạt chất của đỗ trọng cho thấy nó không có độc. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, vỏ cây đỗ trọng có tác dụng kích thích và ức chế hệ thần kinh trung ương.
Nhờ có khả năng làm giãn các cơ trơn của mạch máu, cây được dùng để điều trị cho bệnh nhân cao huyết áp. Nó đã được công nhận là một vị thuốc sử dụng chính thức để điều trị cao huyết áp ở Liên Xô vào năm 1951. Một số công dụng khác của cây được chứng minh có thể được nhắc đến:
+ Giảm cholesterol, tăng lượng máu động mạch vành.
+ Kháng viêm, giảm đau, lợi tiểu.
+ Tăng cường hệ miễn dịch.
+ Bổ thận tráng dương, có tác dụng an thai.
Đỗ trọng tốt nhưng có chống chỉ định. Những đối tượng sau đây không được phép sử dụng: người bị tiểu đường, người bị chảy máu không cầm được, người âm hư hỏa vượng.
Các vị thuốc cổ truyền trong dân gian vô cùng phong phú, và công dụng của chúng đã được cổ nhân chứng minh qua hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn năm nay.
Mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn tìm được loài thuốc phù hợp để kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền và đạt được hiệu quả chữa trị cao nhất. Chúc các bạn có một trái tim mạnh khỏe, huyết áp ổn định vàsức khỏe tốt!