Bệnh tim là vấn đề của đàn ông! Quan điểm này cho thấy sự chủ quan của rất nhiều người, bởi tim mạch nói chung và xơ vữa động mạch nói riêng, đó là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, và nó không trừ một giới nào cả.
Bỏ qua những nguyên nhân về di truyền, thời điểm nam giới mắc bệnh có thể sớm hơn, nhưng phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ sau độ tuổi mãn kinh cũng nằm trong nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch.
Mãn kinh, Estrogen và vai trò với hệ tim mạch
Mãn kinh là một câu chuyện khác trong đời sống của phụ nữ, liên quan đến quá trình lão hóa, khi sự rụng trứng bị ngưng lại dẫn đến sụt giảm hormone sinh dục nữ (hay estrogen). Estrogen không chỉ là yếu tố ảnh hưởng đến sinh lý và tạo nên sắc đẹp cho phái nữ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của chị em. Nó được chứng minh có tác dụng làm giảm hàm lượng cholesterol của cơ thể, bảo vệ thành mạch và tim.
Riêng Estradiol ảnh hưởng đến một số chức năng của tế bào cơ trơn mạch máu, bao gồm co bóp và tăng trưởng. Estrogen tham gia vào việc điều hòa vận chuyển ion canxi vào tế bào, ngăn ngừa xơ vữa động mạch bằng cách chống lại quá trình oxy hóa các cholesterol xấu.
Nồng độ hormone sinh dục nữ (estrogen) đạt mức cao nhất trong độ tuổi sinh đẻ, do vậy hệ thống tim mạch sẽ được bảo vệ tốt. Qua tuổi 40 (giai đoạn tiền mãn kinh), lượng hormon estrogen bị suy giảm một cách đáng kể và bắt đầu giai đoạn xuất hiện các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành.
Một số thống kê y tế cho thấy, phụ nữ mãn kinh bị giảm đi sức đề kháng, các căn bệnh, trong đó có bệnh tim mạch dễ dàng phát triển.
Tác động của mãn kinh tới bệnh tim mạch như thế nào?
Theo kết quả của một nghiên cứu mới được công bố vào năm 2008 bởi Tiến sĩ Maciej Tomaszewski (Đại học Leicester) nguy cơ bệnh tim mạch ở nam giới cao hơn phụ nữ có thể liên quan tới ảnh hưởng cụ thể của hormone giới tính.
Ở một khía cạnh khác, các nghiên cứu cũng chỉ ra, những phụ nữ sử dụng liệu pháp hormon thay thế (để bù lại lượng estrogen bị mất trong thời kỳ mãn kinh) có nguy cơ mắc bệnh mạch vành giảm đi tương đối. Kết quả nghiên cứu của The Nurses’ Health Study (Hoa Kỳ) cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng lên ở phụ nữ cắt buồng trứng hai bên mà không thay thế estrogen so với phụ nữ cắt buồng trứng được điều trị thay thế estrogen.
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu về nội tiết tố nữ Estrogen – Tất tần tật về hormon của phái đẹp
Mối liên hệ giữa mãn kinh tự nhiên và nhân tạo sớm với chứng xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim đã được kiểm tra kỹ lưỡng ở 4853 phụ nữ sau mãn kinh ở độ tuổi 55 và hơn trong Nghiên cứu Rotterdam.
Ở hầu hết nghiên cứu về thời kỳ mãn kinh và các yếu tố nguy cơ kèm theo, các nhà khoa học đã cho thấy nồng độ cholesterol toàn phần trong huyết thanh tăng lên sau mãn kinh. Bên cạnh đó sự thay đổi của cholesterol mật độ cao (HDL), apolipoprotein, huyết áp, tỷ lệ eo-hông và insulin cũng được tìm thấy mặc dù mức độ thay đổi khác nhau ở ác lứa tuổi khác nhau.
Mãn kinh tác động đến sự thay đổi của các yếu tố gây nguy cơ tim mạch như tổng lượng cholesterol (tăng 10%), LDL cholesterol (tăng 14%), và apolipoprotein B(tăng 8%).
Sau mãn kinh, sự tích tụ mỡ vấn đề về huyết áp và tiểu đường cũng gia tăng, là áp lực cho hệ thống tim mạch. Các vấn đề khác trong cuộc sống như áp lực hay căng thẳng trong cuộc sống gia đình, vợ chồng sau những thay đổi về tâm sinh lý… cũng trở thành những lý do cho thấy tại sao phụ nữ sau độ tuổi mãn kinh lại có nguy cơ cao mắc các vấn đề về tim mạch.
Mãn kinh là điều không thể tránh khỏi. Nhưng phụ nữ hoàn toàn có thể chủ động đề phòng bệnh bằng cách như duy trì lối sống khỏe mạnh, tập thể dục và vận động hàng ngày, duy trì cân nặng ở mức hợp lý, thực hiện chế độ ăn ít béo, tăng chất xơ, kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường, huyết áp…
Xơ vữa động mạch kéo dài cản trở lưu thông máu. Tim và một số cơ quan khác như não, thận… thiếu máu nuôi dưỡng dẫn đến các triệu chứng như đau thắt thắt vùng ngực, đau đầu, chóng mặt buồn nôn, các cơn choáng… Ở phụ nữ, các triệu chứng này được cho là có biểu hiện ít hơn so với nam giới, vì vậy cũng khó phát hiện bệnh hơn. Nếu không chữa trị kịp thời, có thể gây ra các biến chứng nặng và nguy hiểm như liệt, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Với phụ nữ sau mãn kinh, căn bệnh tim mạch lại càng nguy hiểm hơn vì sức đề kháng cũng như sức khỏe đã giảm sút đáng kể, nhất là ở những người có tiền sử bệnh tật. Bởi vậy, chăm sóc bản thân, không phải chỉ để có nhan sắc, mà còn để có sức khỏe vững vàng, và không phải chiến đấu với bệnh tật khi đã đứng tuổi, là điều mà có lẽ bất kỳ phụ nữ nào cũng cần phải lưu tâm.
Tìm hiểu thêm: 11 thay đổi dễ nhận thấy khi cơ thể thiếu Estrogen